Trên tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế, số lượng container rất lớn có thể lên đến hàng nghìn chiếc. Do vậy trước khi hàng lên tàu, việc sắp xếp số lượng container phải được lên kế hoạch cụ thể. Sơ đồ container trên tàu là cơ sở để chủ tàu nắm được thứ tự sắp xếp đủ số lượng cont cần vận chuyển lên tàu.
Ý nghĩa của việc lập sơ đồ container trên tàu
Thực tế, sơ đồ container trên tàu đã được chủ tàu/hãng tàu vận chuyển thiết lập ngày từ khi nhận thông tin yêu cầu vận chuyển từ khách hàng. Việc thiết lập sơ đồ sẽ được tính toán trên cơ sở: thông tin lô hàng từ khách hàng, nguyên tắc sắp xếp container tiêu chuẩn trên tàu.
Không chỉ số lượng container hàng lớn, mỗi tàu vận chuyển có thể có nhiều điểm đến, nhiều điểm giao nhận hàng hóa trên suốt lộ trình. Do vậy, việc xây dựng sơ đồ container mang đến nhiều ý nghĩa thiết thực:
- Sắp xếp lượng container lên tàu đảm bảo vừa đảm bảo đủ số lượng đã nhận, vừa đảm bảo an toàn.
- Sắp vị trí thuận tiện theo điểm trả hàng cho những container cần dỡ trước.
- Xác định nhanh chóng vị trí chính xác container cần dỡ ở những cảng cố định.
Nguyên tắc khi xếp container lên tàu
Để container sắp xếp an toàn, thuận tiện cho hoạt động vận chuyển, sơ đồ container trên tàu được thiết lập dựa trên 7 nguyên tắc cơ bản sau:
1.Phân bổ trọng lượng hàng đồng đều
Nguyên tắc này áp dụng cho cả việc sắp xếp hàng trong container và container trên tàu. Hàng nặng xếp dưới, hàng nhẹ xếp trên là cách phân bổ trọng lượng đồng đều trên tàu. Điều này sẽ giúp quá trình vận chuyển an toàn, tránh được hiện tượng nứt gãy, cong vênh ở vị trí bị chịu trọng tải lớn.
2.Container nặng xếp ở giữa tàu, container nhẹ xếp ở hai bên tàu
Trong quá trình di chuyển trên biển, tàu phải chịu tác động của nhiều ngoại lực khác nhau. Việc xếp các container có khối lượng nặng được xếp ở hai bên sẽ khiến tàu không thể trở về trạng thái cân bằng khi có tác động ngoại lực. Điều này vừa ảnh hưởng đến việc di chuyển, vừa gây mất an toàn.
3.Không đặt chồng container 20 feet lên container 40 feet
Cấu tạo tàu chở hàng được chia thành các khoang (bay) và được đánh số thứ tự tính từ mũi tàu. Theo tiêu chuẩn, mỗi khoang xếp đủ 2 container 20 feet hoặc 1 container 40 feet. Ngoài ra, một số loại container 40 feet không có các chân gù ở giữa mà chỉ có chân gù ở 4 góc. Chính vì vậy, việc xếp chồng container sẽ không đảm bảo tính liên kết ổn định, chặt chẽ với nhau.
Xem thêm: Dịch vụ khai hải quan Alphatrans
4.Không đặt chồng container lên phía trên container hở mái
Không xếp chồng các container lên phía trên các container hở mái là nguyên tắc quan trọng khi xây dựng sơ đồ container trên tàu. Thông thường, các loại container hở mái thường sẽ chứa những mặt hàng có chiều cao quá khổ. Việc xếp chồng container lên container hở mái sẽ gây hư hỏng những mặt hàng chứa bên trong.
5.Xếp container lạnh trên boong tàu
Container lạnh là loại container hàng đặc biệt. Đối với hàng hóa chứa trong container lạnh, chúng luôn yêu cầu phải duy trì một mức nhiệt độ nhất định. Do đó, việc đặt container lạnh trên boong tàu vừa là để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định vừa thuận tiện cho việc kiểm tra thường xuyên.
6.Đặt container quá khổ ở các tầng phía trên
Container quá khổ có kích thước lớn nhằm chứa những mặt hàng cồng kềnh quá khổ. Khi đặt những loại container ở tầng dưới sẽ làm mất diện tích để chứa những container có kích thước tiêu chuẩn.
7.Xếp container dỡ hàng trước ở trên
Nguyên tắc này nhằm đảm bảo việc dỡ hàng xuống thuận lợi hơn. Trong trường hợp, sơ đồ container sắp xếp các container hàng điểm đến trước ở phía dưới. Vậy khi dỡ trả hàng ở cảng, chủ tàu sẽ phải dỡ hàng phía trên xuống mới lấy được hàng bên dưới. Điều này không chỉ làm mất nhiều thời gian mà còn mất thêm cho phí thuê cẩu, bến bãi, nhân lực bốc dỡ.
Xem thêm: Vận chuyển hàng đường biển
Những lưu ý khi xếp hàng hóa theo sơ đồ container
Việc thiết kế sơ đồ container trên tàu là giải pháp sắp xếp hàng hóa hợp lý, an toàn. Bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc khi lên sơ đồ container, việc xếp hàng lên tàu còn cần lưu ý một số điểm sau:
Xếp container vị trí ô tương ứng
Cấu tạo sơ đồ container được chia thành khoang, hàng và lớp. Mỗi một vị trí sẽ tương ứng với một container hàng:
- Khoang (Bay): Vị trí được tính theo mặt cắt ngang của tàu được đánh số tính từ mũi tàu.
- Hàng (Row): Vị trí được tính theo mặt cắt dọc của khoang tương ứng được đánh số từ tâm đến 2 bên mạn tàu.
- Lớp (Tier): Vị trí được tính theo mặt cắt ngang của khoang tương ứng được đánh số từ từ đáy đến đỉnh tàu.
Chèn lót kỹ càng
Việc chèn lót container hàng hóa là một thao tác không thể bỏ qua khi xếp hàng lên tàu. Biện pháp chèn lót đơn giản nhất là sử dụng các túi khí vào khoảng trống để tránh xê dịch, đổ vỡ hàng hóa.
Gia cố container
Bên cạnh việc chèn lót các khoảng trống giữa các container, gia cố chằng buộc hàng hóa bằng các đồ dùng chuyên dụng là việc cần thiết. Tuy nhiên, việc chằng buộc quá căng cũng không quá tốt. Nó sẽ làm tăng áp lực lên các điểm tựa yếu của container như cửa, vách mặt trước,…
Đảm bảo sự an toàn của hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển bằng việc xếp container khoa học, phù hợp hạn chế tối đa tổn hại không đáng quá. Hy vọng với 7 nguyên tắc để thiết lập sơ đồ container an toàn, hiệu quả sẽ giúp ích cho các bạn độc giả.